Ngày đăng: 06/03/2012 | Lượt xem:

SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH
CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(từ năm 1945 đến nay)

 

          1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã dẫn đến sự thành lập chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời cũng chính thức khai sinh ra lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

          Tại Nam bộ, vấn đề thành lập một lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng đã được Xứ ủy Nam bộ đặt ra ngay từ những ngày trực tiếp chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Xứ ủy thống nhất đặt tên cho lực lượng vũ trang mới mẻ này là Quốc gia Tự vệ Cuộc, và xem đó là một trong những thành phần trọng yếu của chính quyền dân chủ nhân dân ở Nam bộ sau khi được thành lập.

          Ngày 26-8-1945, Quốc gia Tự vệ Cuộc Nam bộ chính thức đi vào hoạt động, trực tiếp phụ trách địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam bộ cũng như sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, Quốc gia Tự vệ Cuộc nhanh chóng bắt tay làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đồng thời gấp rút chuẩn bị lực lượng để đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

          Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Quốc gia Tự vệ Cuộc Nam bộ và sau đó là lực lượng Công an Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định đã sát cánh cùng các lực lượng, các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thành phố. Ở vùng căn cứ, Quốc vệ đội và công an cơ sở vận động nhân dân phòng gian bảo mật, chống nội gián, biệt kích xâm nhập, bảo vệ an toàn các cơ quan, lãnh đạo kháng chiến của Thành phố. Trong nội thành, mạng lưới trinh sát Công an Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định phát triển đến hầu hết các cơ quan đầu não của địch và các tổ chức, đảng phái phản động như Sở mật thám Nam kỳ, Sở chiêu hồi chiêu hàng, đảng Đại Việt…Nhờ vậy, ta đã thu thập được nhiều tin tức địch tình phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị chiến lược. Đặc biệt, công tác trừ gian diệt ác được lực lượng công an xung phong và công an khu – quận, hộ – xã tiến hành thường xuyên liên tục, khiến giới cầm quyền Pháp và bọn tay sai hoang mang, rúng động, nổi bật là các vụ trừng trị Nguyễn Văn Sâm, Bazin, Vương Quang Nhường…

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy – Thành ủy, sự chỉ đạo, chi viện kịp thời của Bộ Công an và Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, lực lượng An ninh Sài Gòn – Gia Định (tức I4 hoặc T4) đã mưu trí, dũng cảm đương đầu với các thế lực tình báo, gián điệp, phản động tay sai ngay tại trung tâm đầu não của địch, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của phong trào cách mạng và kháng chiến của nhân dân Thành phố đặt ra trong từng giai đoạn. Những năm 1961-1965, lực lượng An ninh T4 tập trung xây dựng và phát triển lực lượng, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương chống địch càn quét, diệt ác phá kiềm, bám đất bám dân, đào hầm bí mật ngay trong các ấp chiến lược, phát động quần chúng tại chỗ nổi dậy phá ấp chiến lược. Từ năm 1965 trở đi, khi địch tập trung lực lượng chà xát vùng giải phóng bắc Củ Chi, tiểu đoàn Vinh Quang (tức an ninh vũ trang) đã sát cánh với các lực lượng vũ trang kiên cường chiến đấu, bẻ gãy nhiều trận càn quét của địch, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng. Trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa Xuân 1968, An ninh T4 đã huy động mọi lực lượng hoàn thành nhiệm vụ được phân công là trừ khử bọn phản động đầu sỏ, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở cơ sở. Từ giữa năm 1968 đến năm 1970, hoạt động của trinh sát vũ trang nổi lên như một nhân tố góp phần hồi phục phong trào cách mạng tại nội thành, với nhiều chiến công vang dội, như vụ trừng trị Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Hương (không thành), các vụ tấn công trại A-măc, Tổng nha cảnh sát, bót Hàng Keo… Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài số an ninh vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo, lực lượng An ninh T4 còn lại chia thành hai “cánh” và một “cụm” bám sát các nhiệm vụ được Thành ủy phân công, hoàn thành việc chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều khu vực nội, ngoại thành và tại một số cơ quan, xí nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, cơ sở điệp báo của ta đã phát huy tác dụng “hơn cả một binh đoàn” (lời Stalin), thu thập được nhiều tin tức có giá trị chiến lược, hình thành thế trận tiến công chính trị vào bộ máy nguỵ quyền đầu não, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

          2. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào thời kỳ mới, cả nước thống nhất thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lưc lượng An ninh – Nội chính Sài Gòn – Gia Định dưới sự lãnh đạo của Ủy ban quân quản Thành phố nhanh chóng triển khai các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ trước mắt của Thành phố là ổn định đời sống kinh tế – xã hội, thiết lập chính quyền cách mạng và trấn áp các tàn dư phản động cả về chính trị lẫn quân sự. Nhờ khí thế cách mạng lên cao của quần chúng, Ban An ninh – Nội chính Thành phố đã tổ chức thực hiện thắng lợi các đợt, các chiến dịch công tác lớn của thời kỳ quân quản, đồng thời tăng cường xây dựng, phát triển lực lượng, bước đầu hình thành bộ máy An ninh – Nội chính từ cấp thành đến cơ sở.

          Trong giai đoạn 1976 – 1985, Đảng bộ và nhân dân Thành phố vừa tập trung giải quyết các hậu quả chiến tranh vừa tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng cả nước đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tiếp đó là cuộc “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của các thế lực thù địch…Tình hình an ninh trật tự ở địa bàn Thành phố trong giai đoạn này cực kỳ căng thẳng, phức tạp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ của Bộ Nội vụ và Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng như sự ủng hộ tích cực của quần chúng cách mạng, Sở Công an Thành phố đã tập trung huy động các lực lượng, liên tục tấn công trấn áp, phá rã hàng trăm tổ chức, nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên phản động đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu chuẩn bị gây biến động chính trị, họat động vũ trang, phá nhiều tổ chức khi chúng mới hình thành. Nổi bật là các nhen nhóm, tổ chức phản động có danh xưng “Phục quốc”; tổ chức “Hội đồng lãnh đạo quốc gia”, “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam”…Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, ta liên tục mở các đợt tấn công, truy quét, phá hàng trăm băng ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, bắt hàng chục ngàn đối tượng, điển hình là các băng nhóm do Võ Tùng Hội, Nguyễn Thanh Tân, Bùi Văn Đắc cầm đầu.

          Bước vào giai đoạn đổi mới – nhất là khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX – các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tập hợp lực lượng hòng phá đổ một trong những dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa xã hội mà thành phồ Hồ Chí Minh là một trọng điểm. Tình hình trên lĩnh vực trật tự xã hội cũng diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng công nghệ – kỹ thuật cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài…. Được sự hỗ trợ tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, với các ngành và đoàn thể, phát huy tác dụng của các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, kiềm chế gia tăng tội phạm, giải quyết có hiệu quả các tệ nạn xã hội, phát triển sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự trong mọi tình huống, mọi thời điểm. Vừa công tác, chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, lực lượng Công an Thành phố đã không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát triển theo hướng chính quy, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

          Trải qua hơn 66 năm công tác, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an Thành phố đã lập nên những thành tích, chiến công rực rỡ, góp phần tô thắm lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thành phố cũng như lịch sử Công an nhân dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta đánh giá cao những cống hiến của lực lượng Công an Thành phố bằng những những phần thưởng cao quí; hàng chục tập thể, cá nhân thuộc Công an Thành phố đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm đơn vị, cá nhân được tặng huân, huy chương các loại. Quá trình chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Thành phố từ năm 1945 đến nay cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí, là hành trang giúp thế hệ cán bộ chiến sĩ hiện nay vững tin phấn đấu, sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố./.

Các tin đã đưa:
  • - (06/03/2012)
    • Trang đầu
    • Trang trước
    • 1
    • Trang sau
    • Trang cuối
69f134004a68865e87c8df36860cdade
Chuyên mục An ninh thành phố Hồ Chí Minh
To Top