Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh nhân viên ngành điện để lừa đảo và trộm cắp vật tư thiết bị điện


Ngày đăng: 25/12/2014 | Lượt xem:

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hiện tượng các đối tượng giả dạng nhân viên ngành điện để lừa đảo khách hàng; tình trạng trộm cắp các thiết bị điện và trở thành vấn đề làm tăng nguy cơ mất an toàn trong cung ứng điện, ảnh hưởng đến sản xuất – sinh hoạt của người dân, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước; hành vi vi phạm hành lang lưới điện cao áp vẫn còn xảy ra, dẫn đến không đảm bảo an toàn lưới điện, dễ xảy ra cháy nổ. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6.087 vụ trộm cắp vật tư thiết bị điện, gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh nhân viên ngành điện để lừa đảo và trộm cắp vật tư thiết bị điện:


- Gần đây xuất hiện trường hợp đối tượng giả danh nhân viên ngành điện (có mặc đồng phục của ngành điện) để lừa đảo khách hàng như: Rao bán rẻ thiết bị điện (là hàng giả, hàng nhái); nhờ Tổ dân phố giới thiệu đến người dân để quảng cáo, mời mua lệ phí bảo hành, bảo trì sửa chữa điện (sử dụng giấy tờ giả về dịch vụ bảo trì, bảo hành sửa chữa điện của Công ty Điện lực khu vực, có ghi địa chỉ, số điện thoại liên lạc khi bị mất điện) để lừa đảo chiếm đoạt tiền.


- Các đối tượng lừa đảo bằng hình thức nhắn tin qua điện thoại di động như: thông báo khách hàng sử dụng điện (có ghi rõ thông tin, tên, địa chỉ, mã số khách hàng dùng điện) còn nợ chưa thanh toán tiền điện và đề nghị khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của ngành điện (đây là tài khoản của các đối tượng lừa đảo). Đồng thời, thông báo nếu chậm thanh toán sẽ bị tạm ngưng cung cấp điện, cùng với việc đóng thêm tiền lãi suất chậm trả cho ngân hàng.


- Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, tại các khu vực tối, vắng, ít người qua lại, xa khu dân cư, khi các hộ dân tắt đèn đi ngủ, các đối tượng này leo lên các trụ điện để trộm cắp vật tư thiết bị điện.


- Các đối tượng trộm cắp có hiểu biết về nghiệp vụ, chuyên môn ngành điện thì giả dạng nhân viên ngành điện để trộm cắp dây điện, thiết bị điện vào ban ngày. Nếu người dân phát hiện, nghi vấn thì bọn chúng thông báo là sửa chữa lại đường dây điện hoặc kiểm tra điện kế.


- Sau khi trộm cắp vật tư thiết bị điện, các đối tượng thường vận chuyển đến các điểm thu mua phế liệu, là nơi có nhiều khả năng thu mua vật tư thiết bị điện bị trộm cắp.


Công an thành phố đề nghị người dân chú ý bảo vệ lưới điện và thực hiện tốt các nội dung sau:


- Nhanh chóng báo tin cho Công an phường, xã, thị trấn, tổng đài 113, trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TPHCM (qua số điện thoại 1900545454) khi phát  hiện các đối tượng trộm cắp điện, vật tư thiết bị điện, phá hoại hệ thống lưới điện.


- Trong thực hiện nhiệm vụ, nhân viên Điện lực phải đeo bảng tên, mang theo phiếu công tác. Do đó, nếu người dân nghi ngờ các đối tượng giả danh nhân viên điện lực có quyền yêu cầu xuất trình phiếu công tác, bảng tên. Việc giải quyết, cung cấp các dịch vụ về điện cho khách hàng nếu có thu tiền hay truy thu điện năng thất thoát đều phải có hóa đơn, chứng từ đúng theo qui định của Bộ Tài Chính. Người dân cần cảnh giác với những trường hợp mời mua các dịch vụ điện, thiết bị điện để tránh bị lừa đảo.


- Đề nghị các hộ dân không thực hiện hành vi “câu trộm điện”, tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng để làm giảm chi phí sử dụng điện; không mua, bán sử dụng các thiết bị làm giảm lượng điện năng tiêu thụ thực tế; không sửa chữa, xây dựng nhà ở, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, thả diều, vật bay trong hành lang an toàn lưới điện vì rất dễ xảy ra cháy nổ./.


Phòng PV28 CATP

Các tin đã đưa:
fb989930-7945-4abc-8b30-c7657157e5b9
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giả danh nhân viên ngành điện để lừa đảo và trộm cắp vật tư thiết bị điện
Chuyên mục An ninh thành phố Hồ Chí Minh
To Top