Cụm Thi đua I - Hội Phụ nữ Công an Thành phố và hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”


Ngày đăng: 15/04/2023 | Lượt xem:

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), ngày 14/4/2023, Cụm thi đua I - Hội Phụ nữ Công an Thành phố đã tổ chức hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Tham gia hành trình có đại diện Đảng ủy các đơn vị, đại diện Ban Chấp hành và đại diện hội viên Hội Phụ nữ cơ sở trực thuộc Cụm Thi đua 1 - Hội Phụ nữ Công an Thành phố.

Bắt đầu hành trình, đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu “Hộp thư tình báo Biệt động Sài Gòn” (Quận 1) - địa chỉ đỏ, nơi ghi đậm dấu ấn quá trình hoạt động của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa; di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia - Hầm chứa vũ khí bí mật Biệt động Sài Gòn (Quận 3), nơi những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh táo bạo vào Dinh Độc lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Đoàn cũng đến dâng hương và tham quan Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Quận 1). Tại đây, đoàn đã được giao lưu với bà Đặng Thị Thiệp - người từng cùng chồng là Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đào hầm bí mật, vận chuyển và cất giấu hơn 2 tấn vũ khí phục vụ cho các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tấn công vào mục tiêu Dinh Độc Lập và chi viện cho mục tiêu khác trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; và bà Trần Thị Lệ Thu (bí danh Thu Bà Điểm) - giao liên, sát cánh cùng ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) - Chỉ huy Trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời gian chuẩn bị và diễn ra cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Những điểm đến trong hành trình đều những di tích, địa chỉ đỏ mang dấu ấn quá trình hoạt động của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa; mỗi nơi đều lưu giữ một phần lịch sử, lưu giữ những cống hiến thầm lặng của những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp hội viên, cán bộ chiến sĩ nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử của các di tích, biết trân trọng hiện tại cũng như trân quý sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong mỗi cán bộ, hội viên./.

Hội Phụ nữ Công an Thành phố

Các tin đã đưa:
43fde687-5b6b-465e-acb4-4a20f7ddc31f
Cụm Thi đua I - Hội Phụ nữ Công an Thành phố và hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”
Chuyên mục An ninh thành phố Hồ Chí Minh
To Top