Tiếng Việt | English

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 và những điều cần lưu ý


Ngày đăng: 06/07/2020 | Lượt xem:

Ngày 31/12/2019, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ 01/7/2020 thay thế Thông tư 06/2016/TT-BGTVT ngày 08/4/2016 về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT. Quy chuẩn 41:2019/BGTVT được kế thừa, bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở của các quy chuẩn trước và nội dung cơ bản không khác nhiều mà chỉ theo hướng rõ ràng hơn, chi tiết hơn, hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển cảnh báo, đồng thời khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước so với thực tế khi áp dụng thực tiễn.

Một số điểm thay đổi trong QCVN 41:2019/BGTVT mà người tham gia giao thông cần lưu ý khi đi trên đường:

- Tại Điều 3: Giải thích từ ngữ, khái niệm Ô tô con, Ô tải có nhiều sự thay đổi theo hướng xe con là xe con, xe tải là xe tải (theo quy định về đăng kiểm phương tiện) và các xe bán tải (xe pickup), xe VAN dưới 950kg cũng được xem là xe con.

- Không còn khái niệm “Vượt phải” mà thay vào đó là khái niệm “Vượt xe”. Cụ thể: “Vượt xe” là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước; khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ). Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

- Quy định cụ thể các biểu tượng, hình vẽ trên biển đối với từng loại phương tiện.

- Khi cần biểu thị trọng tải hoặc số chỗ ngồi cho các loại xe tải, xe khách thì bổ sung chữ viết số tấn, số chỗ ngồi (chẳng hạn, xe tải > 3,5 tấn thì viết chữ > 3,5t lên hình vẽ xe tải, xe khách dưới 16 chỗ thì viết chữ < 16c lên hình vẽ xe khách).

- Về hiệu lực của biển báo: Đối với biển báo cấm và biển báo hiệu lệnh, QCVN 41:2019/BGTVT có quy định chi tiết và cụ thể hơn nhằm giúp người dân để hiểu và thực hiện. Cụ thể như:

Đối với biển báo cấm: Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm đi qua các nút giao (trừ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung), biển cấm phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển cấm, trừ các trường hợp có quy định riêng hoặc có biển phụ kèm theo.

Đối với biển báo hiệu lệnh: Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh đi qua các nút giao (trừ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung), biển hiệu lệnh phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh, trừ các biển R.420 (Bắt đầu khu đông dân cư), R.421 (Kết thúc khu đông dân cư), các biển hiệu lệnh có tác dụng trong khu vực và các trường hợp có quy định riêng./.

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CATP

Các tin đã đưa:
d1a00824-ef45-4286-ba31-0783d65ebb02
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 và những điều cần lưu ý
Chuyên mục An ninh thành phố Hồ Chí Minh
To Top