Những điểm mới của Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Ngày đăng: 27/07/2020 | Lượt xem:
Ngày 19/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (gọi tắt là Thông tư số 65/2020/TT-BCA). Thông tư số 65/2020/TT-BCA có hiệu lực kể từ ngày 05/8/2020 và thay thế cho Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).
Một số điểm mới của Thông tư số 65/2020/TT-BCA mà nhân dân cần lưu ý:
1. Quy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát quy định tại điều 5, điều 6 của Thông tư:
Về Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông:
- Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát được Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phê duyệt trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
Về Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phòng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương, gồm:
- Các tuyến đường cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới hành chính của 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thị trấn thuộc huyện);
- Các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Trường hợp các tuyến giao thông đường bộ được cải tạo, nâng cấp thành quốc lộ, tuyến quốc lộ được xây dựng mới hoặc do thay đổi địa giới hành chính địa phương, do yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải điều chỉnh phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, thì Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo về Cục Cảnh sát giao thông để tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân công, phân cấp theo quy định;
- Các tuyến đường đô thị thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Về Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
- Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc tuyến đã phân công cho Phòng CSGT. Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ phân công cho Phòng CSGT đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
- Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị (trừ các tuyến đã phân công cho Phòng CSGT thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương).
2. Quyền hạn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (được quy định tại Điều 8):
Nội dung này cơ bản kế thừa Thông tư số 01/2016/TT-BCA. Có bổ sung quy định, để phù hợp với quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân trong Luật Công an nhân năm 2018, cụ thể: “Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản”.
3. Lực lượng CSGT có 03 hình thức tuần tra, kiểm soát như sau:
- Tuần tra, kiểm soát cơ động.
- Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông.
- Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông.
4. Nội dung tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT: tại Điều 10 của Thông tư này quy định:
4.1. Về nội dung tuần tra:
- Giám sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn, điều khiển, giải quyết ùn tắc giao thông hoặc phối hợp giải quyết ùn tắc, sự cố giao thông trên tuyến giao thông đường bộ khi tuần tra, kiểm soát;
- Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;
- Nội dung tuần tra phải thể hiện trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4.2. Về nội dung kiểm soát:
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông: Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới; Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định; Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng;
- Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
5. Trang phục, phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT:
5.1. Đối với trang phục CSGT:
a) Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang;
b) Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
5.2. Đối với phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có bổ sung thêm loại phương tiện xe đạp để phù hợp khi tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố, tuyến đường đi bộ thuộc các đô thị.
5.3. Đối với phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, gồm: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là hệ thống giám sát); cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh; thiết bị ghi đo bức xạ; thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới; thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới; phương tiện đo độ ồn; phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới; thiết bị đo âm lượng; thiết bị đo cường độ ánh sáng; thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm Cảnh sát giao thông, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông, do cán bộ Cảnh sát giao thông trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
6. Thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát: Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng CSGT phải công khai các kế hoạch sau:
- Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;
- Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông;
- Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Có 04 hình thức thông báo công khai của CSGT gồm: Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; Áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Có 04 nội dung lực lượng CSGT phải thông báo công khai theo quy định tại thông tư này là: Đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; Thời gian thực hiện kế hoạch.
7. Thông tư số 65/2020/TT-BCA có quy định 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Thứ hai: Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Thứ ba: Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
Thứ tư: Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu như: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật và các quy định tại khoản 2, Điều 16 của Thông tư này.
8. Trước khi kiểm soát phải: Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”. Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
9. Kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Khi kiểm soát thông qua hệ thống giám sát, máy đo tốc độ ghi hình ảnh, thiết bị ghi hình, phát hiện, ghi thu được hình ảnh của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, thủ trưởng đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị. Trường hợp không dừng ngay được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện thì thực hiện các quy định tại điểm b, khoản 3, điều 19 của Thông tư này.
10. Trong giải quyết, xử lý vi phạm hành chính có một số quy định cần lưu ý như:
- Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính thì hướng dẫn và đề nghị người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ để nhận thông tin, xử phạt thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia. Đây là quy định mới thực hiện ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị công bố dịch vụ công trực tuyến và sơ kết 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia, giao Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đối với việc nộp phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng cảnh sát giao thông để cắt giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân và các doanh nghiệp.
- Trường hợp, khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của 02 người làm chứng, ra quyết định tạm giữ theo quy định; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi lại hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp (trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo) hoặc thuê tổ chức, cá nhân điều khiển, cẩu, kéo đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ; xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02); người vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc thuê đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
- Khi tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt. Khi tạm giữ giấy tờ phải lập biên bản theo quy định.
11. Trong việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (được quy định tại Điều 24 của Thông tư này):
Về nguồn thông tin phản ánh: Có 02 nguồn là nguồn được ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và nguồn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Về yêu cầu của thông tin, hình ảnh: Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Về trách nhiệm của người cung cấp thông tin: Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Về quy trình và trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh khi được cung cấp, phản ánh từ các nguồn cung cấp: được quy định cụ thể tại khoản 4 và khoản 5 Điều 24 của Thông tư này và các điểm đáng lưu ý là:
- Cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin, phản ánh có trách nhiệm “bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh”.
- Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.
- Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật./.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CATP
- - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (09/05/2025)
- - Quy định mới về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân (11/03/2025)
- - Hướng dẫn nộp “phạt nguội” và tham gia giao thông khi đang trong thời gian chờ cấp, đổi giấy phép lái xe (05/03/2025)
- - Phối hợp trong hoạt động tố tụng hình sự; quản lý, thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện (05/03/2025)
- - Công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an (05/03/2025)
- - Công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông (04/03/2025)
- - Cấp giấy phép lái xe cho người đạt kết quả kỳ sát hạch trong thời hạn 7 ngày làm việc (03/03/2025)
- - Quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự từ 01/3/2025 (02/03/2025)
- - Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (03/12/2024)
- - Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu (01/12/2024)
- Trang đầu
- Trang trước
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- ...
- Trang cuối