Nâng cao cảnh giác trước thông tin xấu, độc và giả mạo trên không gian mạng


Ngày đăng: 14/08/2021 | Lượt xem:

Không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, mạng xã hội đang là một trong những kênh thông tin phổ biến, rộng rãi nhất. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận mọi thông tin nhưng cũng có thể đối mặt với những thông tin xấu, độc và giả mạo.

Trong dòng chảy thời sự, hiện nay có thực trạng là một bộ phận người sử dụng mạng xã hội thường có xu hướng quan tâm, thích “like” và “share” thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều. Đây cũng chính là điều kiện cơ hội để các phần tử phản động, tuyên truyền những thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, kích động, gây chia rẽ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Trong thực tế, các phần tử phản động giấu mặt, giấu tên thường bóp méo thông tin về những sự kiện, vụ việc hoặc các chủ trương, kế hoạch, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Lâu nay, âm mưu này của các thế lực thù địch thì không thay đổi. Chính vì thế, để đấu tranh, ngăn chặn và vạch trần những âm mưu đen tối đằng sau việc lợi dụng thông tin trên mạng xã hội thì người dùng mạng cần thận trọng, tỉnh táo khi tiếp cận thông tin, cần có cái nhìn khách quan để không bị nhầm lẫn giữa hiện tượng cá biệt với bản chất sự việc, để tránh mắc mưu những kẻ chuyên cắt xén, bịa đặt thông tin.

Thời điểm năm 2018, khi Luật An ninh mạng mới đang trong giai đoạn bàn thảo để thông qua, không ít ý kiến tỏ ra lo lắng, bất an, thậm chí là phản đối, chống phá, bởi cho rằng nếu bị kiểm soát quá chặt chẽ thì người dùng mạng xã hội sẽ bị hạn chế thông tin, mất quyền tự do ngôn luận. Thế nhưng, nếu không có Luật An ninh mạng ra đời thì chỉ nội trong vụ dập dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay thì tin đồn lan truyền trên mạng sẽ nguy hại đến mức nào nếu như pháp luật không can thiệp, không xử lý. Sẽ là tai hại nếu không xử phạt người tung tin giả, đưa tin không chính xác, thông tin sai sự thật bởi vô hình trung, góp thêm sự hoang mang dư luận, gây xáo trộn đời sống người dân, làm ảnh hưởng nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của chính quyền các cấp.

Đơn cử, trong khi cả Thành phố đang căng mình quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 thì câu chuyện liên quan đến thông tin “bác sĩ Khoa” rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ được lan truyền trên mạng đã thu hút nhiều người chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó xác định nội dung trên là không có thật và hiện đang tích cực làm rõ động cơ của những người liên quan cùng dấu hiệu phạm tội trong sự việc này. Hay như trước đó, là vụ việc đối tượng Phan Hữu Điệp Anh (sinh năm 1961, ngụ tại quận Bình Thạnh - chủ tài khoản Facebook Phan Anh Hữu) đã lợi dụng sự việc một người đàn ông tự thiêu tại TP. Thủ Đức để đăng bài bịa đặt, xuyên tạc sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Đáng chú ý, việc tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng Covid-19; bịa đặt sai trái về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương; giả mạo thông tin liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh tại các điểm nóng như TP. Hồ Chí Minh v.v... Phải khẳng định rằng, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, sử dụng công nghệ mới để chống phá đất nước một cách rất tinh vi. Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh bền bỉ, thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ, với sự tham gia của tất cả mọi người trong mặt trận tư tưởng, lý luận. Hơn lúc nào hết, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người dân sử dụng mạng xã hội phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, phải tìm hiểu thông tin về những quy định của Luật, về những việc không được làm để bảo vệ chính mình, tránh những vi phạm do thiếu hiểu biết, để cùng góp phần xây dựng xã hội sống an toàn, an ninh hơn.

Tự do ngôn luận là yếu tố không thể thiếu để yên dân, tăng lòng tin xã hội. Tuy nhiên hơn bao giờ hết, mỗi người dân, mỗi người dùng mạng xã hội cần thận trọng chọn lọc, bình luận khi tiếp nhận các thông tin từ mạng xã hội. Vì nếu không sáng suốt, không vững lập trường, không đủ kiến thức phân biệt, thì mỗi người đều có thể trở thành một công cụ cho các thế lực ngầm thực hiện những mưu đồ đen tối. Gốc rễ của vấn đề chính là ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia mạng xã hội. Điều nhất thiết, không nên dựa vào các thông tin trôi nổi, thiếu kiểm chứng trên mạng; không vô tư, tùy tiện like, share các thông tin, các status, các trang của người khác nếu bản thân không nhìn nhận tính đúng đắn và tích cực của sự việc; tránh phát tán thông tin, ý kiến tiêu cực mang tính bôi đen đời sống hoặc thể hiện sự mất lòng tin vào những điều tươi sáng của xã hội./.

Phòng Công tác đảng và công tác chính trị CATP

Các tin đã đưa:
8a30b53d-7b3e-4b99-a5d6-7257517754c6
Nâng cao cảnh giác trước thông tin xấu, độc và giả mạo trên không gian mạng
Chuyên mục An ninh thành phố Hồ Chí Minh
To Top